Khi mà những viên đá quý trong suốt, lóng lánh có giá từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu USD được các nhà sưu tầm đá quý săn lùng trên khắp toàn cầu vẫn đang bặt vô âm tín thì tại Việt Nam, hiện đang âm thầm lưu chuyển nguồn đá quý bằng các thủ thuật nhân tạo. Chưa chắc khi bỏ cả tỉ đồng ra mua một viên kim cương, ruby (hồng ngọc) hay đá saphia, người chơi đá đã sở hữu một viên đá quý đích thực
Kỹ thuật “nâng đời” ngọc
Đá quý có nhiều dạng từ cẩm thạch, đá đa sắc cho đến kim cương hay ruby… Nhưng tựu trung lại, dân chơi đá quý vẫn thích nhất là ruby hoặc đá saphia. Bởi đơn giản, đeo đá quý để tăng thêm sự sang trọng cho chính bản thân mình là một chuyện. Nhưng, đeo đá để hợp âm dương, hợp mạng trong việc làm ăn hay cưới xin lại là chuyện khác. Một tay kinh doanh đá quý nói với chúng tôi rằng hiện tại người tiêu dùng rất thích sắm đồ trang sức có cẩn đá quý theo màu để hạp tuổi.
Thế nhưng, đó chỉ mới là chuyện hạp tuổi. Có tay chơi đá quý còn đeo đá theo tháng sinh của mình để cầu may. Ngoài chuyện hạp tuổi này, dân chơi đá quý còn tin tới mức bất cứ chuyện gì cũng phải có đá yểm trợ.
Như trong phòng ngủ của vợ chồng mà đặt đá mã não chứa nước sẽ tăng khả năng ân ái, khi đánh bạc mà mang theo viên thạch anh Thiên hà sẽ gặp may, làm lãnh đạo hay quản lý thì nên mang thạch anh tím để tăng cường sự thấu hiểu giữa nhân viên và lãnh đạo, tạo thuận lợi cho công việc…
Tuy nhiên, dẫu cho dân chơi đá quý có tiền thì nguồn đá quý có sẵn trong tự nhiên cũng không thể nào đáp ứng nổi nhu cầu này. Vậy là các tuyệt chiêu biến đá dỏm thành đá quý xuất hiện.
Trước đây, dân “thổi” đá quý rất thích dùng đèn khò cộng một vài chất xúc tác để biến những viên đá có màu trắng đục xấu xí thành màu hồng tinh khiết, đặc trưng của loại đá ruby. Giả như muốn một viên đá đỏ chuyển màu chỉ cần nung trong môi trường ôxy hóa và cho thêm chất crôm là viên đá chuyển màu thành viên hồng ngọc tuyệt đẹp. Tương tự, cho một hàm lượng titan và sắt nhất định sẽ có ngay viên bích ngọc. Tuy nhiên, đó chỉ là cách làm của mấy tay “thổi” đá quý lặt vặt ở chợ đá quý Lục Yên (Yên Bái).
Ngọc được dân “thổi” ngọc thích nhất vẫn là loại ruby. Thông thường, ngoại trừ vùng Nam Cực ra, các vùng lãnh thổ khác vẫn thường có các mỏ hồng ngọc tự nhiên. Nhưng, duy chỉ có loại ruby ở châu Á là được giới chơi ngọc ưa chuộng nhất. Đặc biệt là ruby có nguồn gốc từ Myanmar, Thái Lan, Sri Lanka và Việt Nam. Đối với ngọc tự nhiên, thì màu sắc vẫn là chuẩn tối ưu nhất khi được lựa chọn. Dẫu rằng, ngọc đẹp phải có đủ các yếu tố “hình, sắc, chất thanh” hoặc “độ cứng, màu sắc và hiếm”.
Đối với ruby, dân chơi ngọc thích và cũng là quý nhất là loại ruby trong suốt có màu huyết dụ tươi, loại màu đỏ thường được gọi là “máu bồ câu”, hoàn hảo nhất là loại có sắc tối đến trung bình. Ngoài ra, các màu khác của ruby như: cam (đỏ vàng), đỏ tía, tím và hồng đều là loại thứ cấp.
Ruby – niềm mơ ước của dân chơi ngọc.
Đối với dân “thổi” ngọc chuyên nghiệp, có phòng thí nghiệm hẳn hoi thì chuyện màu ngọc hoặc sắc sáng tối chỉ là chuyện nhỏ. Phương pháp được dân “thổi” ngọc hay xài nhất là dùng nhiệt. Với thiết bị nhiệt có thể đạt đến độ nóng từ 1.800oC đến 2.400oC thì ngọc xấu cũng thành ngọc đẹp. Với sức nóng này, các sợi tơ (đường vân) trong ngọc bị phá vỡ hoàn toàn và màu sắc của ngọc sẽ được cải thiện đáng kể.
Đối với loại ngọc có khe nứt, không hoàn hảo trong tự nhiên thì dân “thổi” ngọc lấp đầy các khe nứt ấy bằng thủy tinh chì. Khi nung ngọc ở nhiệt độ cao, dân “thổi” ngọc thêm vào các khe nứt của ngọc tự nhiên bằng thủy tinh chì để tăng độ trong suốt cho ngọc. Trước tiên, ngọc thô được đánh bóng để loại bỏ các tạp chất trên bề mặt vì các chất này nếu không bị loại bỏ sẽ ảnh hưởng đến độ sáng của ngọc sau khi “thổi”.
Đánh bóng xong, dân “thổi” ngọc sẽ làm sạch các chỗ xù xì bằng axít flohydrite. Loại bỏ phần xù xì này, ngọc sẽ được đưa vào xử lý nhiệt lần đầu tiên. Quá trình này không cho bất kỳ chất nào vào trong ngọc, để loại bỏ thêm lần nữa các tạp chất trong khe nứt. Sau đó, ngọc được xử lý nhiệt lần thứ hai.
Ở lần xử lý nhiệt này, ngoài việc bổ sung các chất hóa học thì ngọc sẽ được nhấn chìm trong dầu và phủ bột thủy tinh có chứa chì sau khi đã hòa tan. Bột thủy tinh chì khi nung sẽ chuyển sang trong suốt đến vàng và nhuộm đều toàn bộ vết nứt của ngọc.
Ngay khi vừa được làm “lạnh” màu, ngọc sẽ trong suốt và không còn dấu vết. Nếu cần thiết thêm màu cho ngọc thì có thể dùng bột thủy tinh với các chất nhuộm màu như đồng hoặc axit kim loại như natri, canxi, kali…
Ở các công ty mua bán đá quý nghiêm túc, họ sẽ giới thiệu cho khách đây là loại ngọc đã qua xử lý nhiệt và giá thành ngọc sẽ giảm đi rất nhiều so với ngọc tự nhiên. Có khi giá ngọc đã qua xử lý nhiệt chỉ là khoảng 1/10 so với giá ngọc tự nhiên.
Một người chuyên buôn bán đá quý có hạng ở TP HCM, khi trao đổi với chúng tôi đã nói rất thật: “Ngọc thô để hai viên cạnh nhau thì mình có thể nhìn được viên nào đẹp, viên nào xấu. Chứ ngọc đã qua xử lý nhiệt rồi thì tài thánh nhìn cũng không ra. Có lúc, ngọc đã qua xử lý nhiệt còn đẹp hơn gấp nhiều lần so với ngọc tự nhiên”.
Cũng như ruby, đá saphia cũng được dân “thổi” ngọc nâng cấp theo kiểu xử lý nhiệt như vậy. Với đá saphia, để tăng thêm màu vàng hoặc xanh cho đá chỉ cần thêm mangan và titan trong quá trình xử lý nhiệt thì saphia sẽ đẹp rạng ngời. Và khi mà người mua ngọc bỏ ra vài chục hoặc vài trăm triệu đồng để rước về một viên ruby đeo cho hạp mạng, chưa kịp hí hửng vui mừng thì đã dính ngay tuyệt chiêu của các “đại hành gia” về “thổi” ngọc.
Nếu như dân chơi ngọc hay vấp phải rủi ro khi mua phải ngọc đã qua xử lý nhiệt, thì người sính kim cương còn dễ mắc phải chuyện “bỏ hàng đống tiền ra để mua kim cương… nâng cấp”.
Một viên kim cương chuẩn yếu tố được xét đến đầu tiên bao giờ cũng là độ trong suốt. Kim cương càng trong suốt thì có giá trị càng cao. Thứ đến là màu sắc, kim cương thông thường có màu trắng (ngoài ra còn có màu hồng, xanh, nâu, vàng) và giá trị của kim cương càng thấp đi nếu màu ngày càng xa chuẩn màu trắng ban đầu. Thang màu bắt đầu từ ký kiệu D (không màu) và xuống dần đến E, F, G, H… cho đến Z. Chính vì các chuẩn khắt khe đối với loại đá quý hiếm nhất hành tinh này, nên kim cương luôn là loại đá quý đắt nhất trong các loại đá.
Để kim cương đạt chuẩn trong suốt tối đa, dân “thổi” đá quý đánh bóng nó bằng cách cho kim cương vào lò áp suất ở nhiệt độ cao. Ở nhiệt độ này, chỉ cần cho thêm chất huyết tương trộn lẫn với khí hydro thì đảm bảo, kim cương sẽ đẹp đến mức không thể đẹp hơn. Trước đây, việc nâng cấp kim cương thường khá tốn kém. Vì để kim cương có bề mặt nhẵn như gương thì vật dùng để mài kim cương lại chính là… kim cương. Tuy nhiên, từ dạo giới “thổi” đá quý nhập về từ Nhật loại hợp kim có thành phần cấu tạo từ titan, nhôm và crôm thì việc đánh bóng kim cương đã trở nên rất đơn giản.
Ngoài kim cương, ruby và đá saphia, một loại đá quý khác cũng rất được ưa chuộng và rất dễ bị… làm giả chính là cẩm thạch. Cẩm thạch tự nhiên được người chơi đá tin về công năng chữa bệnh của nó. Cẩm thạch thường có màu tự nhiên là xanh đậm, sẫm đến nhạt màu, trắng hoặc xanh nhạt. Với loại đá quý này, người đeo càng lâu càng lên nước, bóng loáng nhìn rất đẹp. Tùy theo độ tinh khiết của màu, độ sáng của cẩm thạch mà giá của cẩm thạch cũng vô chừng. Để tạo ra cẩm thạch đẹp, dân “thổi” đá quý có nhiều cách. Nhưng cách thông dụng nhất vẫn là đốt đá.
Đốt lò ở nhiệt độ cao, sau đó đẩy đá vào lò chờ cho đá tan chảy rồi bơm màu đá. Theo vệt chảy của đá, màu lan đi rất nhanh và đến khi “lạnh” màu thì dân “thổi” đá chỉ cần chặt những khúc màu đẹp để mang đi chế tác. Còn những đoạn màu không đẹp thì làm vụn, đem đi làm tranh đá quý. Đá sau khi được lựa đoạn màu đẹp, sẽ được chuyển cho các xưởng chế tác thủ công chế tạo chủ yếu thành vòng đeo tay.
Thế mới có chuyện dạo này hầu như ở rất nhiều nơi tại nước ta đều xuất hiện tranh đá quý. Để phân biệt cẩm thạch tự nhiên và đá đốt rất đơn giản. Có khi, chỉ cần nhìn vào màu sắc là có thể phân biệt được. Đá đốt nhái cẩm thạch thường cho màu xanh lý, gần như không thể tạo thành màu khác do quá trình nấu đá và bơm màu quy định chuẩn màu cho đá đốt như vậy chăng(!?).
Phân biệt đá thế nào?
Biện pháp chủ yếu nhất vẫn là… mang đá quý đến trung tâm giám định để nhờ xem đá tự nhiên hay đá nâng cấp. Đặc biệt là đối với loại quý hiếm như kim cương. Khi mang kim cương đến trung tâm kiểm định, kim cương sẽ đi qua rất nhiều khâu khảo sát với các thiết bị tối tân, từ kính hiển vi ngọc học, cân tỉ trọng đến máy phổ Rama… Loại được các yếu tố đồ giả, kiểm định viên sẽ xem xét đến độ tinh khiết – yếu tố quyết định giá một viên kim cương. Mỗi lần kiểm định như vậy giá chỉ khoảng vài trăm nghìn.
Nhưng kiểm định không đơn giản là đem kim cương ra đặt dưới máy chuyên dụng (có giá vài trăm nghìn USD) xăm xoi một hồi là có thể kết luận kim cương có đủ chuẩn hay không. Một trong những đặc thù để dân thổi đá quý thường vin vào đó để lừa lại dân chơi đá quý đó chính là người mua sắm kim cương ở nước ta rất “kết” kim cương được kiểm định ở nước ngoài.
Tại Việt Nam, chứng nhận về kiểm định kim cương của Bỉ được tin tưởng nhưng cũng có nhiều viên bị “nâng bậc” do các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ kiểm định. Chỉ cần nâng một bậc là khách hàng có thể mất thêm vài nghìn USD. Bên cạnh đó, những viên có khắc chìm chữ bằng tia laser ở Việt Nam cũng tăng giá so với những viên không khắc chìm từ 500 đến 600 USD. Nhưng ở một số nước khác, nhất là Thái Lan thì chỉ cần bỏ ra vài chục USD là có thể khắc chữ chìm lên kim cương thoải mái.
Thế mới có chuyện dân buôn kim cương mang kim cương từ Việt Nam sang Thái Lan, vừa đi du hí vừa khắc chữ chìm lên kim cương để nâng giá. Thậm chí, không loại trừ cả việc dân buôn đá quý cấu kết với các trung tâm kiểm định nhỏ để đánh lừa khách hàng mua đá quý.
Tuy nhiên, với loại đá quý được thổi đến mức tinh xảo thì có khi kiểm định cũng bằng thừa. Như loại kim cương “siêu giả”, còn gọi là moissanit. Nó có độ dẫn nhiệt tương tự kim cương, vì vậy dùng bút thử độ dẫn nhiệt hoàn toàn vô tác dụng. Cho đến tận giờ, loại kim cương này vẫn là sự đánh đố đối với các trung tâm kiểm định kim cương.
Hiện tại, chơi đá quý vẫn là cuộc chơi mang đậm yếu tố “hên – xui” hoặc cũng có chuyện “đá quý tìm người” như dân chơi đồn thổi. Chỉ có điều chắc chắn rằng, theo lời khuyên của ông Đinh Khắc Duy – Phó GĐ Công ty TNHH – TM Vạn Sài Gòn chuyên kinh doanh đá quý thì “Để có thể hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất khi mua đá quý, khách hàng nên tìm đến những địa chỉ có uy tín và có chế độ bảo hành tốt”. Có lẽ, ngoài cách này ra thì dân chơi đá quý không còn sự lựa chọn nào khác(!)
Theo Kinh Luân ( CAND)